“Thần Kỳ Chi Môn” của Trương Chí Xuân là một cuốn sách về “Kỳ Môn Độn Giáp”. “Kỳ Môn” là một bộ môn dự đoán cao cấp trong lĩnh vực dịch học, là tài sản quý giá của các “thiện dịch giả” thời xưa để lại. Ông Trương khi còn trẻ tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ và Ngữ văn Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh, với tài văn chương uyên thâm, sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, ông đã tổ chức nhiều buổi thảo luận nghiên cứu cho những người bạn đồng chí hướng, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và nhiều lần sửa đổi bản thảo, cuối cùng ông đã đưa “Thần Kỳ Chi Môn” đến với công chúng. Trong cuốn sách, ông Trương đã dẫn chứng các tác phẩm từ xưa đến nay, kết hợp với các thành tựu học thuật hiện đại, để giải thích được nguyên lý sâu xa của “Kỳ Môn” bằng ngôn ngữ đơn giản mà không kém sâu sắc. Trong sách, ông cũng đưa ra các phương pháp cụ thể để khởi cục, hơn nữa còn đưa ra các ví dụ thực tế để ứng dụng. Những điều này hiếm thấy trong các tác phẩm tương tự trước đây. Cuốn sách này quả thực có thể coi như một giáo trình nhập môn để học “Kỳ Môn”, đồng thời cũng có thể được sử dụng như một kiệt tác học thuật để nghiên cứu chuyên sâu về “Kỳ Môn”. Đây là một tác phẩm kế thừa và phát huy những giá trị cốt lõi trong lĩnh vực học thuật của nó và đáng được lưu truyền, là một “công cụ” hữu ích. Ông Trương Chí Xuân qua đó đã có những đóng góp mới trong việc phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Trung Hoa.
Sự vận động biến hóa của cửu tinh, cửu cung, bát môn và bát thần được nhắc đến trong sách phản ánh quy luật bước nhảy vọt và chuyển động xoắn ốc thuận, nghịch trong sự thay đổi của một hệ thống mở khổng lồ và phức tạp, đồng thời phản ánh sự ảnh hưởng lẫn nhau của quy luật tương sinh tương khắc, vượng tướng hưu tù, sự kết hợp giữa chủ thể và khách thể của nhận thức đã tạo thành một mô hình tượng số lí độc đáo và phổ quát. Đây là một di sản văn hóa quý giá mà tổ tiên chúng ta để lại, rất đáng để ta tiếp tục khai quật, nghiên cứu, kế thừa và phát triển.
Việc theo đuổi “học vấn” từ trước của chúng ta là tìm hiểu quy luật phát triển của vạn vật, quan thiên văn, khảo địa lý, quan sát sự vật hiện tượng và đưa ra đánh giá, kết luận, học hỏi từ trên trời đến dưới đất, từ mọi vật trong thế giới tự nhiên, học hỏi từ những người xưa cho đến người nay. Phải biết kết hợp giữa “ngoại cầu (nhu cầu bên ngoài” với “nội cầu (nhu cầu bên trong)” để rèn luyện bản Thân, và đạt được “thần minh (thông minh sáng suốt)” thông qua “ngộ (giác ngộ)”. Hơn nữa, con người cần cù chăm chỉ, miệt mài kiên trì không ngừng nghỉ, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, để theo đuổi cảnh giới tri “đạo”, để tồn tại, cầu lành, tránh dữ, phát triển và đạt được sự dung hòa với thế giới tự nhiên.
Học và vấn (hỏi) vốn dĩ không thể tách rời, học bắt nguồn từ vấn. Nếu như không có vấn đề, vậy thì học cái gì? Không có mục đích học, không có động lực để học thì cũng sẽ chẳng có học vấn.
Chữ viết mà tổ tiên chúng ta tạo ra thực sự kỳ diệu. Ví dụ như chữ “học”, trên đầu chữ “tử” đội chữ “hào”. Chữ “hào”, đại diện cho mọi vật và những thay đổi của nó, được đặt trong kho tàng tri thức và vận động thay đổi muôn hình vạn trạng trong đó. Chỉ một chữ, trải qua bao thế hệ, vẫn đáng để chúng ta phải suy ngẫm. “Học” là vô tận, là bí ẩn sâu thẳm, diệu kỳ. Còn chữ “vấn”, ở trong có chữ “khẩu (miệng)”, hàm ý chỉ người biết cách ăn nói, tựa như bên trong “môn” (cửa), lại như bên ngoài, ngập ngừng nơi ngưỡng cửa, hỏi tới hỏi lui, thật khiến ta phải cảm khái vô cùng.
Quả thật, biển học vấn mênh mông không có giới hạn, học vấn là vô tận. Trong vũ trụ bao la biến hóa vô cùng này, nơi mà ngoài núi cao còn có núi cao hơn, thì một con người nhỏ bé, dù thông minh hay vĩ đại đến đâu, cũng chẳng qua là hạt bụi nhỏ nhoi trong vũ trụ, chỉ là giọt nước nhỏ giọt trong dòng sông dài lịch sử mà thôi. Chỉ khi chúng ta nỗ lực rèn luyện, đem sự khiêm tốn bé nhỏ của bản thân thực sự hòa nhập vào vũ trụ và tự nhiên, dung hòa làm một, không ngừng tìm tòi, khám phá và nghiêm túc học hỏi, ta mới có thể có được trí tuệ thật sự và học vấn chân chính.
Ông Trương Chí Xuân và các học trò của mình đã thu được một số lượng lớn các kết quả có thể khảo nghiệm được trong việc ứng dụng “Kỳ Môn” để dự đoán . Đồng thời ông cũng có những đóng góp tích cực về nhiều mặt và được mọi người đón nhận. Ở đây, tôi sẽ kể lại một ví dụ mà tôi đã đích thân trải nghiệm:
Năm 1997, con gái tôi đã tham gia kỳ thi tuyển bác sĩ toàn quốc ở Hoa Kỳ. Vào giữa tháng 8, những thí sinh khác đều lần lượt nhận được thông báo kết quả thi, nhưng con bé chỉ nhận được một lá thư yêu cầu giải thích lý do tại sao nó lại đạt điểm cao như vậy trong bài thi? Họ yêu cầu con bé cung cấp hồ sơ cơ bản và sẽ đưa ra quyết định sau khi xem xét. Con gái tôi đã vô cùng lo lắng và tức giận, nó đã mời luật sư để chuẩn bị cho vụ kiện,… Vào giờ Mão ngày 24 tháng 8, nó gọi điện về cho tôi từ New York, và nói rõ tình hình. Ngay lập tức, tôi gọi điện thoại bàn đến Thạch Gia Trang và nhờ anh Đỗ Tân Hội, học trò của Trương Chí Xuân, dùng “Kỳ Môn” để dự đoán xem sao. Nửa tiếng sau, anh Đỗ gọi điện cho tôi và nói: “Con gái anh lọt vào top 5, có thể đứng thứ 2 hoặc 3. Các nhân viên thống kê của Trung tâm khảo thí Hoa Kỳ nghi ngờ về tính xác thực của kết quả. Không nên kiện cáo ra tòa,… chỉ cần cung cấp đủ bằng chứng cho trung tâm khảo thí, sẽ được công nhận kết quả vào ngày 7 tháng 10 dương lịch, tức tháng 9 âm lịch”. Diễn biến của sự việc khá phù hợp với kết quả dự đoán bằng “Kỳ Môn”. Trung tâm Khảo thí Hoa Kỳ đã cấp chứng chỉ vào ngày 7 tháng 10 năm 1997, và con gái tôi đã nhận được chứng chỉ đó vào ngày 9 tháng 10. Phải biết rằng người bói và người được bói ở nửa kia bán cầu chưa bao giờ gặp nhau! Còn có không ít kết quả dự đoán kỳ diệu như vậy nữa. Tất nhiên, như ông Trương Chí Xuân đã từng chỉ ra, Không phải tất cả các kết quả tính được bằng “Kỳ Môn” đều chính xác hết, nguyên nhân trong đó cần được tìm hiểu sâu hơn.
Một số người thích gọi những khái niệm như số thuật là “mê tín phong kiến”, là vô thưởng vô phạt. Cần phải thừa nhận rằng nguyên nhân là do nền giáo dục văn hóa khác nhau, phương thức tư duy khác nhau, vũ trụ quan khác nhau, quan điểm học thuật khác nhau, và thậm chí cả kinh nghiệm thực tiễn khác nhau. Thực tế là mặc dù nền văn minh nhân loại và khoa học kỹ thuật hiện đại đang thay đổi không ngừng và phát triển nhanh chóng, chúng ta vẫn biết quá ít, quá ít và quá ít về vũ trụ, tự nhiên và chính bản thân chúng ta! Có thêm kiến thức học thuật dân chủ sẽ có lợi hơn cho sự phồn vinh của tri thức, sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại.
Diệp Tử Thuyên
Bắc Kinh, tháng 9 năm 1998
Kính mời quý vị độc giả đọc thử bản demo pdf: xem tại đây |
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.