Lục Nhâm Là Gì ?

Lục Nhâm là một môn học thuật cổ đại, thuộc phần ứng dụng của Kinh Dịch, được vô số các bậc tiên hiền thành lập, tích lũy và hoàn thiện.

Căn bản của nó hình thành trên cơ sở dịch lý, thiên văn lịch pháp, địa lý, hệ thống Can Chi và các lý luận âm dương ngũ hành.

Cái hay của Lục nhâm là chi tiết và các ứng dụng sâu rộng, chính xác vào trong vô số các trường hợp và lĩnh vực: đời thường, kinh doanh, quân sự và tu luyện thân tâm.

Lục Nhâm là gì?

Chữ Nhâm/壬: có nghĩa là Can Nhâm trong 10 Thiên Can, nhưng cũng có nghĩa là “Hoài Thai”, “Gánh vác, đảm nhiệm”.

Lục Nhâm (六壬) tức là 6 chỗ hoài thai sự việc, 6 yếu tố hiện diện trong một quẻ, sáu chỗ ấy hàm chứa mọi thông tin về Thiên thời, Địa lợi, và Nhân hòa.

Sáu chỗ đảm nhiệm/hoài thai sự việc đó là: 1. Năm, 2. Tháng, 3. Ngày, 4. Giờ, 5. Mệnh, 6. Niên.

Tiên Hiền từ cổ đại đã dùng hệ thống Can Chi để lập thành hệ thống số đếm, lịch pháp (yếu tố thời gian, đánh dấu phương vị (yếu tố không gian).

Đồng thời hệ thống Can Chi còn mang tải các thông tin về bản mệnh/sự sống và thời điểm của một sự vật hay sự việc trong quá trình biến dịch (quá trình thành thịnh suy hủy).

Khi nhìn vào một bàn Lục Nhâm, người ta có khả năng suy tính ba (03) yếu tố căn bản: Không Gian, Thời Gian, Sự Vật/Sự Việc.

Lục Nhâm có công dụng gì?

Mục đích của Lục nhâm là gom các yếu tố: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa vào trong một bàn tính – để có cái nhìn bao quát về sự vận chuyển của hai khí Âm Dương trong Vũ Trụ – do đó mà dự đoán trước khuynh hướng cát hay hung, sự việc/sự vật gì sẽ có khả năng (possibilities) xảy ra trong một thời điểm nào đó.

Nhờ vào việc nắm được các yếu tố Thiên Thời, Địa Lợi, và Nhân hòa cùng các khuynh hướng biến dịch của vạn vật, người sử dụng Lục Nhâm có thể nắm bắt được cái gọi là “Thời Cơ” – do đó mà có thể đưa ra các quyết định đúng đắn, đón lành tránh dữ. Trên thì thuận với lòng trời, dưới nắm được địa lợi, mà ở giữa thì hành xử sao cho hợp với “Nhân Hòa”.

Thực vậy: kẻ làm tướng thì trên phải biết Thiên thời, dưới phải nắm vững Địa hình/Phương vị, giữa thì phải nắm được sự biến chuyển của Sự việc, Sự vật – nhờ đó mà ra được các quyết định đúng đắn trong việc điều binh khiển tướng, hành binh đánh trận.

Đối với đại đa số con người, thì việc nắm bắt được thời cơ là yếu tố quyết định thành bại, được mất; nắm được Lục Nhâm là nắm được “Dịch Lý” – nhờ đó mà biết nên tiến hay nên thoái, nên nắm nay nên buông. Nắm được thời cơ tức là có khả năng ra quyết định đúng đắn, do đó có khả năng đón lành tránh dữ.

Cấu trúc 1 bàn Lục Nhâm cơ bản

Một bàn lục nhâm căn bản được trình bày như sau:

1. Dữ liệu đầu vào: để lập thành một quẻ Lục nhâm chúng ta cần biết các dữ liệu đầu vào như: a) mục đích người hỏi (vấn nhân) muốn biết cái gì? b) bối cảnh của sự việc (căn bản và rõ nét); c) người hỏi đang ở đâu (phương vị)? d) hỏi quẻ cụ thể vào thời gian nào?
2. Can ngày: đại diện yếu tố Dương trong quẻ.
3. Chi ngày: đại diện yếu tố Âm trong quẻ
4. Thiên bàn: dùng Can Chi để thể hiện yếu tố Năm, Tháng, Ngày, Giờ vận hành ra sao.
5. Địa bàn: dùng Can và 12 chi thể hiện cương vị, vị trí, phân dã khu vực.
6. Vòng trường sinh: có 3 vòng trường sinh của Can, Chi, Nạp âm.

Cấu trú 1 bàn lục nhâm căn bản – vuphac.com

7. Vòng sao Quý nhân: để biểu hiện sự tiến thoái của hai khí Âm Dương trong quẻ, và các sự vật, sự việc “biến dịch” theo vòng sao Quý nhân.

8. Vòng sao Thái Tuế: thể hiện sự biến dịch của năm (trong nguyên, thế, vận, hội)

9. Vòng sao Nguyệt kiến: thể hiện sự biến dịch của mùa, thời điểm trong năm.

10. Tứ khóa: nơi phân ra động tĩnh của hai khí Âm Dương (Can, Chi)

11. Tam truyền: diễn tiến của sự việc

12. Lục xứ: là năm tháng ngày giờ và Niên Mệnh – tuy là ở trong cùng một bầu vũ trụ nhưng cái vị trí và hoàn cảnh mỗi người tốt xấu khác nhau, cho nên cơ hội/thời cơ và sự lựa chọn của mỗi người là khác biệt, dựa vào lục xứ để tìm ra dụng thần đoán việc.

Trân trọng!

Vũ Phác

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận