Tóm Lược Về Cấu Trúc Của Thời Gian Trong Môn Lục Nhâm

Một năm bao gồm 4 mùa, 12 tháng, 24 tiết khí, 360 ngày (lịch âm). Bốn mùa phân ra ra thành hai vòng âm dương:

  • Từ Đông Chí cho tới Mang chủng do bốn quẻ Khảm, Cấn, Chấn, Tốn quản lý – là vòng dương.
  • Từ Hạ Chí cho tới Đại Tuyết do bốn quẻ: Ly, Khôn, Đoài, Càn quản lý – là vòng âm. Như vậy, ta có thể hình dung chu kỳ thời tiết của một năm chạy vòng tròn giống y như bát quái hậu thiên.

Do một chu thiên của vòng Hoàng Đạo chia ra làm 360 ngày, các hành tinh vận hành quay quanh Mặt Trời trên vòng Hoàng Đạo. Và Trái Đất quay trên quỹ đạo của vòng Hoàng Đạo, mỗi ngày một độ, đi hết 360 độ là hết một năm (hoặc chúng ta có thể hiểu mỗi một độ của vòng Hoàng Đạo chính là 1 ngày tiết khí).

Cùng lúc, Trái Đất tự quay xung quanh trục của mình và tạo thành “ngày sáng tối”, “ngày sáng tối” này được đếm bởi đơn vị (60) Hoa Giáp, khởi đầu chu kỳ Hoa Giáp từ chữ Giáp Tý và kết thúc chu kỳ Hoa Giáp tại chữ Quý Hợi.

Do ngày Tiết Khí (một độ vòng Hoàng Đạo) và ngày “Sáng Tối” (Trái Đất tự quay xung quanh trục của nó) cho nên có sự khác biệt giữa lịch Tiết Khí và Âm Lịch.

Lại đem Can Chi lập thành chu kỳ 60 Hoa Giáp để làm hệ số đếm cho “ngày sáng tối” – Giáp/Kỷ + tứ trọng (Tý Ngọ Mão Dậu) là thượng nguyên; Giáp/Kỷ + tứ mạnh (Dần Thân Tị Hợi) làm trung nguyên; Giáp/Kỷ + tứ quý (Thìn Tuất Sửu Mùi) làm hạ nguyên để phân bổ cục số tạo thành phép “Kỳ Môn Độn Giáp”. Các ngày Giáp Kỷ được coi là ngày “Phù Đầu” (ngày khởi đầu tiết khí).

24 tiết khí ứng vào Lạc Thư

Như vậy qua hình minh họa, quý vị có thể thấy nguồn gốc của 9 số bắt nguồn từ Lạc Thư; ghép với 24 Tiết Khí, phối với 360 độ trên vòng Hoàng Đạo; lại lấy 10 Can và 12 Địa Chi lập thành 60 Hoa Giáp – 6 chu kỳ x 60 Hoa Giáp = 360 ngày để phối với 360 độ trên vòng Hoàng Đạo mà tạo thành biến hóa của phép Kỳ Môn Độn Giáp; trong Lục Nhâm chính là dùng Tiết Khí để tính ra Nguyệt Tướng lập quẻ; rồi lại theo đuôi sao Đẩu chỉ để biết nguyệt kiến, theo chu kỳ của mặt trăng lập thành Lịch Âm.

Do “ngày sáng tối” số lượng có thể nhiều hơn (thường là khoảng 365 ngày/năm) trong khi chu vi của vòng Hoàng Đạo quy định luôn là 360 độ – nên có sự “lệch nhau” giữa “Tiết Khí” và “Âm Lịch” – do đó tạo thành vô số tranh cãi trong giới huyền học khi áp dụng Lịch Pháp để tính khí lực sinh vượng của Ngũ Hành.

Theo ý kiến cá nhân của tôi (tác giả Đặng Thế Nam), các sao lập thành trên Âm Lịch thì nên lấy gốc “Kiến Trừ” của lịch Âm mà tính; còn Cửu Tinh (là số của Lạc Thư) thì phải lấy Tiết Khí mà tính khí lực vượng hay suy.

Giả sử “ngày Sáng Tối” (đếm bằng hệ Can Chi 60 Hoa Giáp) mà trùng lặp với chu kỳ vận hành của Trái Đất qua 360 độ trên vòng Hoàng Đạo – thì Đông Chí luôn được khởi từ ngày Giáp Tý.

Nhưng đấy chỉ là giả sử thôi, vì “ngày Sáng Tối” không trùng lặp với quá trình Trái Đất vận hành trên quỹ đạo của vòng Hoàng Đạo (mỗi ngày một độ) cho nên có trường hợp ngày “Phù Đầu” Giáp/Kỷ có thể đến trước hay đến sau Tiết Khí (cho nên mới có khái niệm Siêu Thần và Tiết Khí).

Việc này gây nên một khúc mắc lớn trong môn Kỳ Môn Độn Giáp vì nó dễ gây hiểu lầm – nếu ta đơn giản hiểu rằng “Cục Số” là “Quẻ” quản tiết khí – còn “Phù Đầu” là mốc để biến dịch số của “Quẻ” – ví dụ như vào quẻ Khảm/số 1, ở khí Đông Chí thì vào các ngày:

  • Phù Đầu trong khoảng Giáp/Kỷ + Tứ Chính (Tý Ngọ Mão Dậu) (là 1 rồi đếm đến 5) thì đó là Thượng Nguyên tức số 1.
  • Còn nếu Phù Đầu là Giáp/Kỷ + Tứ Mạnh (Dần Thân Tị Hợi là 1 rồi đếm đến 5) thì đó là Trung Nguyên tức số 7
  • Nếu Phù đầu là Giáp/Kỷ + Tứ Quý (Thìn Tuất Sửu Mùi là 1 rồi đếm đến 5) thì đó là Hạ Nguyên tức số 4.

Ví dụ như trong Đông Chí gặp ngày Ất Sửu (có Phù đầu là Giáp Tý) liển biết là Thượng Nguyên của Đông Chí và có cục số là 1 – đơn giản như vậy – vấn đề Siêu Thần, Tiếp Khí đã được giải quyết. Hoặc giả trong khí Đại Hàn gặp phải ngày Bính Ngọ (có phù đầu là Giáp Thìn) liền biết đó là Hạ Nguyên của Đại Hàn có cục số 6 – rất giản dị bởi vì “Cục Số” chính là diễn hóa từ quẻ quản Tiết Khí, mà “Phù Đầu” là cái mốc để diễn hóa số của Quẻ trong Tiết Khí ấy.

Nếu quý vị có nhu cầu tìm hiểu sâu về môn Lục Nhâm Đại Độn xin mời tìm đọc cuốn “Lục Nhâm Diễn Quái – Tập 1” đã được xuất bản. Xin mời xem tại đây

Trân trọng!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận