Những Bất Cập Của Dụng Thần: Về Lý Luận Cơ Bản

Dụng thần cách cục đã tồn tại cả nghìn năm. Dụng thần cân bằng cũng có tới vài trăm năm. Điều đó tự nó nói lên giá trị của nó, nghĩa là các Dụng thần này đều đưa ra cách luận giải đúng cho lá số, nó đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng trong thời gian dài.

Điều này cũng chứng tỏ cả hai loại Dụng thần đều chưa hoàn chỉnh. Nó chỉ đúng trong phạm vi nhất định và còn nhiều bất cập. (Cho nên hai trường phái không ngừng phê phán nhau, vạch ra sai lầm của nhau).

Quy luật Âm dương Ngũ hành là cơ sở lý luận tạo ra số mệnh của con người. Nó cũng là căn cứ để các bậc tiền bối xây dựng nên bộ môn Dự đoán theo Tứ Trụ.

Nhưng cả hai loại Dụng thần của nó đều có phần chưa tuân theo đúng với các luật Âm dương Ngũ hành. Cụ thể là:

Với Dụng thần cách cục

– Cách cục pháp chia 10 Thần ra hai loại: có 4 thần thiện và 4 loại thần ác. Như vậy hai can Âm và Dương của một hành bỗng nhiên trở thành thiện và ác trái ngược nhau.

Ví như Giáp là Dương Mộc nếu là Ấn thì trở thành thần thiện và Ất là Kiêu trở thành thần ác nếu can ngày là Đinh. Nhưng theo luật Âm dương thì Âm và Dương là hai mặt đối lập, chúng dựa vào nhau để cùng tồn tại và luôn tác động để chuyển hóa sang nhau.

Nó hoàn toàn bình đẳng với nhau trong việc xác định giá trị đối với con người. Nghĩa là Âm không thiện hơn, không tốt hơn, không ích lợi cho con người hơn Dương và ngược lại. Xét về tính Âm – Dương của phạm trù Đạo đức thì Thiện – Ác, Xấu – Tốt… là hai mặt Âm – Dương hoặc Dương – Âm.

Nghĩa là “thiện” và “tốt” có thể là Âm mà cũng có thể là Dương do con người quan niệm. Như vậy quy định thiện – ác cho tính Âm – Dương là không phù hợp với luật Âm dương.

Hơn nữa thiện và ác là phạm trù của Đạo đức, nó có hàm ý không hoàn toàn như nhau đối với các thể chế chính trị khác nhau, các phong tục tập quán, các tôn giáo khác nhau.

Nó chỉ là một trong nhiều tiêu chí cần thiết đối với đời sống tinh thần của con người, nhất là con người của thời kỳ văn hóa công nghiệp – đô thị và hội nhập như hiện nay.

– Can ngày có vai trò quyết định làm cho một can, tức một thần nào đó trở thành thiện hay ác. Ví như nếu can ngày là Đinh thì Giáp là Ấn -thần thiện, Ất là Kiêu – thần ác.

Nếu lá số có can ngày là Bính thì Giáp là Kiêu nên trở thành thần ác còn Ất lại là thần thiện vì nó là Ấn. Trong quan hệ của các can, các thần (của 10 Thần) với nhau chỉ có quy tắc tương sinh, tương khắc, tương hợp và kết hợp các quy tắc đó.

Hoàn toàn không có việc một can này tạo nên sự thiện hay ác, có ích hay có hại… cho can khác. Rõ ràng lấy một can để quyết định tính thiện hay ác của các can khác là không đúng với luật của Ngũ hành.

– Điều kiện để Dụng thần tạo ra cách cục là thiện thần cần được sinh trợ và phải thanh thuần. Ví như nếu Quan – Giáp là thiện thần thì nên có Tài là Thủy sinh và không có Sát là Ất. Nhưng hai thần Quan với Sát là cùng một hành trong một lá số thì tất yếu chúng phải sinh trợ cho nhau. Ví như Quan là Giáp, nếu có Ất là Sát nhưng cùng là hành Mộc thì phải làm cho Quan vượng hơn. Ất – Sát có vai trò như Hỷ thần thì sao lại không tốt cho Cách cục? Như vậy điều kiện thanh thuần của Cách cục cũng không phù hợp với quy luật tương sinh của Âm dương Ngũ hành.

– Thần là thiện hay ác là so nó với can ngày. Theo lẽ thông thường của phạm trù đạo đức khi hai người tốt (đối với cùng một đối tượng) ở gần nhau thì họ sẽ đem lại điều tốt đẹp cho nhau.

Nhưng theo Cách cục lại không như thế. Bởi khi thiện thần mà bị khắc xung là phá cách, là cách cục xấu. Ví như Ấn và Chính Tài cùng là thần thiện nhưng nếu có cùng trong lá số thì lại là phá cách bởi Tài khắc Ấn.

Rõ ràng khái niệm “thần thiện và thần ác” không phù hợp với thực tế cuộc sống. Như thế cũng là không hợp hợp luật Âm dương Ngũ hành bởi thực tế cuộc sống cũng tuân theo qua luật này.

Với Dụng thần cân bằng

Trong sách của Thiệu Vĩ Hoa, tác giả đã đưa ra nhiều lá số chỉ có một hay hai hành rất vượng gọi là cách cục đặc biệt. Thầy Thiệu đã hướng dẫn cách chọn Dụng thần:

Đối với những cách nhật chủ chuyên vượng đều lấy theo thế vượng của nó là tốt nhất, cho nên đều lấy theo sự tụ hội của thế vượng làm Dụng thần. Ví dụ Cách khúc trực: Lấy mộc làm dụng thần. Cách viêm thượng: Lấy hỏa làm dụng thần. Cách gia tường: lấy Thổ làm dụng thần. Cách tòng cách: lấy kim làm dụng thần…”[1].

Như thế là Dụng thần không còn là yếu tố làm cho can ngày cân bằng mà ngược lại, nó làm cho can ngày vượng hơn, chênh lệch hơn so với hành khác. Qua đây dẫn tới hai luận điểm:

– Dụng thần cân bằng không áp dụng được đối với ít nhất là các lá số chỉ có một hay hai hành rất vượng.  Nói cách khác: Dụng thần loại này chỉ đúng trong một phạm vi nhất định.

– Trong một lá số, nếu không có can chi của một hành nào đó thì không hẳn hành đó đã là suy. Ngược lại, nếu chỉ có một hành nào đó rất vượng cũng không hẳn là nó suy theo hình thức “cùng thì biến” của luật Âm dương.

Sự suy yếu của chúng có được cần phải thêm một điều kiện nào đó. Luận điểm này càng chứng rỏ can ngày dù cân bằng cũng không thể hiện sự cân bằng của Ngũ hành của lá số.

Và Dụng thần cân bằng chỉ hạn chế đúng trong một phạm vi, một điều kiện nào đó thôi. Hơn nữa, nếu có sự cân bằng của cả Ngũ hành trong lá số thì đó cũng không là yếu tố quyết định tạo cát hay hung về các đối tượng cần dự đoán.

Một phản biện cần đặt ra: Dụng thần cân bằng đã đề cập tới luật Âm dương vì cân bằng (= quân bình) là một trạng thái của Âm dương, nó là quy luật để vạn vật hướng tới. Vậy tại sao nó không có vai trò quyết định cát hung cho lá số?

Giải đáp câu phản biện này như sau: Để có hai mặt Âm – Dương, cần xác định đúng đối tượng so sánh và cơ sở so sánh của chúng. Nếu xác định đối tượng hay cơ sở sai thì không trở thành cặp Âm – Dương và nó không tuân theo luật Âm dương.

Ví như xét nhiệt độ thì nóng – lạnh là hai mặt của Ấm và Dương. Nhiệt độ vừa phải là quân bình, là cần thiết, nóng qua hay lạnh quá cũng không tốt cho con người và vạn vật.

Nhưng nếu xem xét sức khỏe của một người thì không thể nói: khỏe cứ vừa phải là tốt, nếu khỏe quá là không tốt bởi “cùng thì biến”! Xét sức khỏe của một người cần xét về hai mặt: khỏe về thể chất và khỏe về tinh thần.

Nếu hai tiêu chí này đều tốt như nhau là cân bằng, người đó có sức khỏe tốt. Ngược lại chỉ khỏe về thể chất mà tinh thần kém. luôn u buồn lo lắng… thì người này sức khỏe không tốt.

Trở lại với Dụng thần cân bằng, nếu lấy can ngày để so với các can chi khác của lá số để xác định Dụng thần, để quyết định cát hung của lá số là không đúng đối tượng.

Vì một can của một hành so với 4 hành đã là không cân bằng, hơn nữa không phải lúc nào lá số cũng có đủ cả 4 hành kia để so sánh.

[1] Thiệu Vĩ Hoa, Sđd, trang 394-395

Trích từ cuốn sách “Những bí ẩn của ngày sinh” do NXB Hồng Đức ấn hành, mọi chi tiết xin mời quý đồng môn xem tại đây.

Vũ Phác

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận