Những Bất Cập Của Dụng Thần: Về Nội Dung Dự Doán

Dụng thần trong Tứ Trụ bất cập về lý luận cơ bản và lý luận ứng dụng tất nhiên dẫn tới bất cập về nội dung cần dự đoán trong lá số Tứ Trụ. Sự bất cập ấy thể hiện ở nội dung dự đoán bị hạn chế và độ chính xác của các thông tin đưa ra không cao, nhiều khi sai lầm.

Hạn chế thể hiện ở quan niệm về chức năng và số lượng của Dụng thần trong Tứ Trụ

– Quan niệm chức năng của Dụng thần như thuốc chữa bệnh đã thể hiện sự hạn chế về nội dung dự đoán. Thầy Thiệu viết: “Cái để chỉ sự bất cập hay thái quá là thuốc. Thuốc này chính là dụng thần trong Tứ trụ”[1].

Chúng ta biết rằng một vài vị thuốc kết hợp có thể trị khỏi một bệnh chứ không thể chữa khỏi tất cả các bệnh của bệnh nhân.

Hơn nữa thuốc chữa khỏi bệnh này nhưng có thể làm phát sinh bệnh khác. Vì vậy một lá số có 1 hay vài Dụng thần đi nữa cũng chỉ có thể tìm ra phần nào thông tin của lá số đó mà thôi.

– Số lượng Dụng thần Cách cục ít thì nội dung dự đoán cũng nghèo nàn. Chúng ta biết rằng một lá số Tứ Trụ chỉ có thể trùng với lá số khác khi chúng có cùng năm, tháng, ngày và giờ sinh, nó không lập lại ở một thời gian khác.

Nghĩa là có rất nhiều lá số khác nhau và càng ngày càng tăng hơn ở một không gian nhất định. Mỗi lá số lại có rất nhiều thông tin về các nội dung dự đoán.

Vậy mà chỉ có 42 Cách cục (như cuốn Uyên Hải Tử Bình viết) thì không thể đủ cơ sở để tìm ra quá nhiều thông tin như vậy.

Hạn chế thể hiện ở số lượng nội dung dự đoán không đầy đủ

Uyên Hải Tử Bình đưa ra 42 Cách cục với hàng trăm ví dụ chuyên bàn về công danh dự nghiệp của mệnh nam. Cuốn Dự đoán theo Tứ trụ của Thiệu Vĩ Hoa có 39 ví dụ bàn về cách chọn Dụng thần cũng bàn quanh nội dung như vậy.

Sách của thầy Thiệu còn có một chương về Quan vận và một chương về Tài vận. Nhưng hầu hết các đối tượng xét tới là người phát quan, phát tài (quan văn, quan võ, bậc tướng soái, quan nhất phẩm, quan trong nội các, người giàu có, tiền của đầy kho, tiền của như ý…) của mệnh nam.

Không hoặc rất ít xét tới mệnh nữ, rất ít xét tới thường dân, người có thu nhập thấp hoặc bình thường – tầng lớp rất đông trong xã hội hiện nay.

Đó là người không nghề nghiệp làm tự do thu nhập bấp bênh, người có việc làm chuyên môn kỹ thuật ổn định với thu nhập trung bình (công nhân, nông dân, nhân viên cơ quan, kỹ sư, thầy giáo…).

Các nội dung chi tiết của công việc làm như: năm nào thì thuận lợi hay khó khăn trong công việc, năm nào nên chuyển nơi làm việc, nghề nào hợp mệnh… là nhu cầu rất cần thiết của nhiều người hiện nay cũng không thấy có lời chỉ dẫn cách xem cụ thể !

– Học tập là vấn đề rất quan trọng nhưng cuốn Uyên Hải Tử Bình không bàn tới. Thầy Thiệu đã bàn về học tập, thi cử ở chương Công danh.

Nhưng đối tượng của thầy đa phần thuộc loại học giỏi (thi đỗ cao, đỗ đầu, trạng nguyên, thần đồng…) và người học kém (dốt, khó đỗ, hàn nho…).

Không xét tới người học đạt mức khá hiện chiếm đa phần ngày nay (như người học tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng).

– Sức khỏe của bản mệnh là nội dung quan trọng nhất cần dự đoán nhưng nó cũng không được bàn luận thỏa đáng. Cuốn Uyên Hải Tử Bình có 631 trang nhưng chỉ dành 3 trang bàn về sức khỏe, trong đó bao gồm cả nguyên văn và giải nghĩa.

Sách của thầy Thiệu có một chương Bệnh tật, Tai họa, trong đó có 80 câu phú đoán nhưng không có câu nào hướng dẫn cách xác định năm nào xảy ra bệnh hay tai họa.

Cũng không đưa ra được cách phân biệt bệnh mãn lâu ngày khó khỏi với đau thương đột xuất (do tai nạn giao thông hay do lao động chẳng hạn).

– Sách của thầy Thiệu giành một chương với nhiều trang bàn về hôn nhân, trong đó có hàng trăm câu phú đoán của mệnh nam và mệnh nữ.

Nhưng các câu đó chủ yếu cho biết về tình cảm vợ chồng (hòa hợp hay bất hòa, xung khắc), không hề hướng dẫn cách tìm các thông tin rất cần thiết sau đây:

+ Năm nào kết hôn?

+ Công việc làm và thu nhập của vợ/chồng thế nào?

+ Sức khỏe của vợ/chồng?

+ Nếu vợ chồng xung khắc tới mức ly hôn thì năm nào xảy ra ly hôn?

– Cuốn Uyên Hải Tử Bình chỉ có 9 dòng viết về bố, 7 dòng viết về mẹ, thê thiếp có 16 dòng, anh chị em có 10 dòng và con cái có 1 trang.

Cuốn Dự đoán theo Tứ trụ của Thiệu Vĩ Hoa đã bàn nhiều đến người thân: bố mẹ, anh chị em và các con. Đó là sự hơn hẳn so với các sách Tứ trụ khác trước đó.

Tuy vậy chưa bàn tới các vấn đề chi tiết của các đối tượng này. Ví như:

+ Bàn về bố mẹ thì thiếu phần sự nghiệp của mẹ, Sức khỏe của bố hay mẹ có nhiều câu phú về mất sớm hay sống lâu nhưng không có câu nào xác định năm bố mẹ chết !

+ Về anh chị em rất ít câu bàn về sức khỏe và sự nghiệp của họ. Thời gian nào sự nghiệp của anh chị em thuận lợi, thời điểm nào anh chị em gặp họa về sức khỏe thì hoàn toàn không có một câu phú nào đề cập tới.

+ Bàn về con cái thầy Thiệu đã giới thiệu hàng trăm câu phú đoán. Nhưng ít có câu bàn về sức khỏe và sự nghiệp của các con.

Vì thế nếu chỉ dựa vào sách của thầy thì không thể tìm ra thông tin vào thời gian nào sự nghiệp của các con thành đạt hay khó khăn, con gặp hạn về sức khỏe vào năm nào? Và càng bó tay khi cần phần biệt con gái hay con trai thành đạt hơn !

Hạn chế về độ chính xác của kết quả dự đoán

Người làm dự đoán dù theo Nhân tướng, Tử vi hay Tứ trụ nếu đạt độ chính xác tới 75% đã là thành công. Nhưng với người dù nắm vững phương pháp Tứ trụ luận đoán theo Dụng thần cũng khó đạt được mức đó.

Vì các nguyên nhân:

– Số lượng nội dung dự đoán hạn chế. Dụng thần chú trọng đến công danh sự nghiệp nhưng chính ngay nội dung này cũng chưa đầy đủ.

– Dụng thần không hoặc rất ít áp dụng vào dự đoán về sức khỏe của bản mệnh, về bố mẹ, anh chị em, vợ chồng và các con.

Điều này thể hiện ở chỗ tất cả các câu phú đoán về các đối tượng này trong sách của Thiệu Vĩ Hoa hầu như không có chữ nào là Dụng thần hay Hỷ thần, Kỵ thần.

– Các câu phú đoán có rất nhiều nhưng đa phần là chung chung, không cụ thể, làm cho người đọc khó hiểu, khó áp dụng nên khi thực hành khó tránh khỏi sai lầm.

Ví dụ trang 529 sách của thầy Thiệu có câu: “Tài gặp trường sinh là ruộng vườn vạn mẫu”. Câu phú này nói tới người rất giàu.

Nhưng Tài này là Dụng thần hay Kỵ thần? Tài gặp trường sinh là ở trụ hay ở đại vận, ở lưu niên?

Tài gặp trường sinh là can Tài cạnh chi trường sinh của nó hay theo lệnh tháng, hay Tài ẩn trong chi khác chi tháng?

Hơn nữa Tài này còn liên hệ với can chi khác của lá số thì tính thế nào?

Ví như nó bị can khắc chi xung hoặc chi đó bị hợp hóa thành Kiêu rất vượng khắc lại Tài?

Hoặc lá số có can ngày rất suy, hoặc chi có Tài trường sinh lại là KS thuần tự do…

Nghĩa là có rất nhiều trường hợp có Tài trường sinh thì chọn trường hợp nào để phán: bản mệnh giàu có? Thật bó tay !

[1] Thiệu Vĩ Hoa, sđd trang 390

Trích từ cuốn sách “Những bí ẩn của ngày sinh” do NXB Hồng Đức ấn hành, mọi chi tiết xin mời quý đồng môn xem tại đây.

Vũ Phác 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận